Từ một nhân viên ngân hàng thu nhập ổn định, chị hy sinh sự nghiệp, lui về làm hậu phương cho nhà chồng, quán xuyến gia đình. Cứ ngỡ sự hy sinh ấy sẽ mang đến cho chị cuộc hôn nhân hạnh phúc, nhưng đối diện với chị lúc này lại là… một bi kịch lớn.
Vì nhà chồng, chấp nhận từ bỏ sự nghiệp
Chiều muộn, người mẹ dẫn theo đứa con trai 7 tuổi vừa đón ở trường học về thẳng phòng tư vấn. Đưa cho con quyển truyện tranh, chị dẫn con lại chiếc ghế trong góc phòng, bảo ngồi yên đọc để mẹ nói chuyện. Thằng bé mê truyện tranh nên ngay lập tức hào hứng chăm chú vào đó, còn chị bắt đầu câu chuyện của mình.
– Mình đang sống trong cuộc hôn nhân bất hạnh, muốn thoát khỏi đó, nhưng mình đang có nguy cơ tay trắng nếu ly hôn. Tài sản không có gì, con cũng không được nuôi – giọng chị nghẹn lại.
12 năm về trước, chị gặp rồi bén duyên với chồng hiện tại. Khi đó chị đang là một nhân viên ngân hàng xinh đẹp, công việc ổn định, thu nhập khá. Bấy giờ, chị có rất nhiều người theo đuổi nhưng chắc tại duyên số nên chị chỉ chọn anh. Mặc dù lúc đó, điều kiện của anh cũng không phải thuộc dạng nổi trội hẳn so với các “ứng viên” đang tìm hiểu chị. Dù nhiều người trong gia đình khuyên chị nên “chọn lại” nhưng chị vẫn kiên định với tình cảm của mình. Sau rồi, người thân đều nghĩ hạnh phúc của ai thì do người đó định đoạt nên chẳng ngăn cản hay bàn lùi nữa. Họ chấp nhận để chị bước vào hôn nhân trong tâm trạng thoải mái nhất.
Anh là con trai thứ hai trong gia đình, trên có chị gái và dưới có một em trai. Gia đình chồng chị có nghề truyền thống khảm bạc nên mở cửa hàng kinh doanh vàng bạc. Con trai, con gái trong gia đình đều được bố mẹ hướng theo nghề truyền thống của gia đình, nên chồng chị tốt nghiệp Đại học Thủy lợi xong không ra ngoài xin việc làm mà về kinh doanh với bố mẹ. Cưới xong, hai vợ chồng chị sống chung với nhà chồng.
Một năm sau, chị sinh con trai đầu lòng, hạnh phúc nhân thêm bội phần trong gia đình họ. Tuy nhiên, khi con trai tròn 1 tuổi thì mẹ chồng chị bị tai biến. Sức khỏe của bà bây giờ phụ thuộc nhiều vào người thân hỗ trợ, không thể quản lý công việc kinh doanh của gia đình cùng chồng con như trước. Nhà chồng thuê giúp việc để hỗ trợ việc chăm sóc mẹ chồng nhưng việc bị liệt một bên tay chân đã khiến bà trở nên mặc cảm, khó tính với tất cả mọi người. Đặc biệt, với người giúp việc, bà dằn hắt, chửi rủa, quấy phá họ cả ngày lẫn đêm khiến ai đến làm được một, hai tuần là xin nghỉ.
Ảnh minh họa
Vốn tính dịu dàng, khéo léo nên từ ngày cưới về, chị rất được lòng mẹ chồng. Những gì mà mọi người không chiều được bà thì chị lại làm được; kể cả những lúc bà ốm đau, tính nết thất thường hay đòi hỏi, xét nét mọi người thì chị cũng đều làm bà hài lòng. Vậy nên trước “đại cuộc” chăm sóc mẹ chồng, chị vẫn được gia đình tin tưởng nhất. Tuy nhiên, công việc của chị ở cơ quan bận rộn chẳng thể chăm sóc bà cả ngày mà chủ yếu vẫn phải trông cậy vào giúp việc. Nhưng, trước tình cảnh không còn người giúp việc nào chấp nhận chăm sóc mẹ chồng chị thì gia đình chị mở cuộc họp, đưa ra mong muốn chị nghỉ việc để ở nhà quán xuyến gia đình. Nhà chồng vẫn thuê một giúp việc để hỗ trợ việc chăm sóc con nhỏ, cơm nước, lau dọn nhà cửa đỡ cho chị, còn việc chăm sóc mẹ chồng thì cần chị “vào cuộc” trực tiếp. Trước sự tin tưởng và lời “nhờ vả” của bố chồng, chị chấp nhận hy sinh sự nghiệp, lui về làm hậu phương.
Từ ngày có chị ở nhà làm “quản gia”, mẹ chồng vui vẻ hợp tác trong uống thuốc điều trị bệnh và ăn uống hàng ngày nên sức khỏe được cải thiện. Cả nhà chồng thở phào nhẹ nhõm, bảo chị đúng là “phúc tinh” trong nhà. Con trai lên 5 tuổi, chị sinh thêm con gái thứ hai. Nhà chồng có kinh tế nên dù ở nhà nội trợ, cuộc sống của chị cũng không bị áp lực về tiền bạc chi tiêu hàng ngày.
4 năm trước, em trai chồng lấy vợ, bố mẹ chồng cắt đôi mảnh đất đang sở hữu, rồi đưa cho vợ chồng chị một khoản tiền để làm nhà ở riêng. Bấy giờ ông bà bảo coi như đã phân chia tài sản cho các con. Phần của vợ chồng chị là nhà đất mới, phần của vợ chồng em trai chồng là ngôi nhà ông bà đang sống cùng họ. Hàng ngày, chị vẫn qua lại giữa hai nhà để chăm sóc mẹ chồng.
Cách đây một năm, mẹ chồng chị bị tai biến lần thứ hai và không qua khỏi. Từ ngày mẹ chồng mất, cuộc sống của chị được giảm tải, chỉ còn tập trung chăm sóc hai con nhỏ, đưa đón chúng đi học. Chồng chị vẫn lo công việc kinh doanh của gia đình cùng bố và em trai như trước đây. Sau này, sự bận rộn của anh ngày một nhiều và được lý giải là do công việc kinh doanh khó khăn nên phải tìm kiếm thị trường mới, phát triển sản phẩm đa dạng hơn trước. Chị tin điều đó, chẳng thắc mắc gì, cố gắng lo chu toàn việc nhà và chăm sóc con cái để chồng tập trung vào công việc.
Hôn nhân gặp sự cố và sự “lật mặt” của nhà chồng
– Cách đây 1 năm, mình phát hiện chồng có những biểu hiện “lạ”. Linh tính mách bảo mình là anh đang có người phụ nữ khác bên ngoài. Sau một thời gian âm thầm tìm hiểu, mình đau đớn trước sự thật phũ phàng là chồng lập phòng nhì bên ngoài và hiện cũng đang có 1 đứa con riêng với người phụ nữ đó. Mình nói cho bố chồng biết và mong ông dùng quyền lực của người cha để bắt anh chấm dứt với người phụ nữ đó, bảo vệ hạnh phúc hôn nhân cho gia đình mình. Nhưng thật không ngờ, bố chồng bảo mình cứ “mắt nhắm mắt mở” vì đàn ông nào chả có sai lầm. Giờ đứa cháu nào cũng là cháu ông nên ông vẫn cứ phải nhận cháu sống bên ngoài kia, chỉ có điều, ông sẽ không cho con trai ly hôn vợ, để bảo toàn hôn nhân giúp mình – chị kể.
Bố chồng giữ lời với chị, ông quán triệt với con trai không được có ý định ly hôn, bỏ vợ bỏ con. Nhưng ông chẳng cấm được việc chồng chị “một bến hai thuyền”, vì có nói, anh cũng bỏ ngoài tai. Từ ngày chồng có phòng nhì bên ngoài, không chỉ tình cảm bị san sẻ mà kinh tế cũng bị chia năm sẻ bảy. Chốc chốc, bên kia lại kêu chồng mua cho cái xe, sắm cho con cái này, cái khác… Chị không đi làm, quyền giữ kinh tế không có. Lâu nay, hàng tháng, anh đưa cho chị một khoản cố định để chi tiêu và đối nội, đối ngoại, còn lại, anh đều viện lý do “tiền công ty gia đình, bố quản lý”.
Ảnh minh họa
– Bố chồng mình bảo, nếu vợ chồng mình ly hôn thì cứ kéo nhau ra toà giải quyết, còn tài sản thì bọn mình chả có gì mà chia. Mảnh đất và ngôi nhà lâu nay mà mình cứ ngỡ bố mẹ chồng cho vợ chồng mình thì nay giấy tờ đứng tên chủ sở hữu là của ông bà. Tiền xây nhà, trước đây ông bà đưa cho vợ chồng mình, bảo để xây nhà thì nay ông lật lại bảo không cho làm của riêng mà chỉ đưa cho mượn để xây nhà ở tạm. Như vậy, về danh nghĩa, ngôi nhà và mảnh đất đó chẳng thuộc về vợ chồng mình. Nếu mình không ly hôn thì vẫn có quyền được sống trong ngôi nhà đó, còn ra đi thì tay trắng – chị đau đớn nói.
Vậy là không nhà ở, không tài sản, ra tòa ly hôn thì chị sẽ đối diện với việc không được quyền nuôi con. Nghĩ đến công sức bao nhiêu năm nay tận tụy, hy sinh cả sự nghiệp để làm hậu phương cho nhà chồng, chị uất nghẹn. Cuộc đời chị bây giờ là cả một tấn bi kịch, ở lại thì sống cảnh “chồng chung”, bị ngược đãi tinh thần; ly hôn thì không còn gì. Chị bảo nếu biết trước được có ngày hôm nay, lúc bố mẹ chồng chia đất và đưa tiền làm nhà, chị sẽ đề nghị bố mẹ hợp pháp tài sản riêng đó cho hai vợ chồng đúng như lời ông bà lúc đó nói là phân chia tài sản này cho họ. Chỉ vì chủ quan, cho rằng tài sản bố mẹ chồng đã nói cho mình thì trước sau gì cũng là của mình nên chị đã không yêu cầu chồng hợp thức tài sản hôn nhân.
Chúng tôi nói với chị, hiện tại, chị có quyền của một người vợ hợp pháp có thể nhờ pháp luật bảo vệ quyền lợi và hôn nhân của mình. Pháp luật sẽ buộc chồng chị phải chấm dứt việc chung sống bất hợp pháp với người phụ nữ khác ngoài hôn nhân, và có chế tài xử lý, răn đe cả chồng chị lẫn người phụ nữ đó. Mặt khác, chị hãy dùng tình cảm để bố chồng suy nghĩ về việc phân chia tài sản riêng cho vợ chồng chị. Vì lâu nay, chị cũng có công lao không ít trong việc chăm sóc mẹ chồng đau ốm. Nếu không vì mẹ chồng, chị vẫn có sự nghiệp của mình, làm ra kinh tế để nuôi sống bản thân, lẫn có của phòng thân, chứ không rơi vào cảnh tay trắng như bây giờ. Ông cũng cần công bằng với chị trong vấn đề quyền lợi của một cô con dâu hiếu thảo.
Trường hợp, chồng chị vẫn không có sự thay đổi, tiếp tục ngược đãi vợ khiến cuộc hôn nhân biến thành địa ngục chị thì hãy cứ nghĩ đến chuyện giải thoát. Dù phải tay trắng ra khỏi đó nhưng chị vẫn còn sức khỏe, kiến thức, thời gian để bắt đầu lại. Trước mắt, chị chưa có đủ điều kiện nuôi con thì chồng chị sẽ đảm nhận, đến lúc chị có công việc, ổn định chỗ ở, việc đón con về sống cùng cũng như muộn. Khi cuộc sống vẫn có con đường cho mình lựa chọn thì không việc gì chị phải chấp nhận đi vào một ngõ cụt không thoát, để cuộc đời mình lún sâu hơn vào bi kịch đau khổ.