Chán bà quá tôi nghĩ cách đuổi khéo bà về quê để thuê giúp việc cho đỡ bực. Bởi tôi tính về lâu về dài, bà cứ như vậy thì chăm con chăm cháu sao tốt được.
Vợ chồng tôi làm trên thành phố, sau cưới thuê nhà trên này nên không phải sống chung với mẹ chồng. Nhà chồng ở quê nên sinh hoạt vẫn còn lạc hậu dùng nước giếng, đun bếp củi nên tôi khó chịu lắm. Mẹ chồng thì cứ bảo:
“Người nhà quê tuy nghèo nhưng thật mà sống tình cảm lắm. Thi thoảng con mới về thì chịu khó qua lại hàng xóm chào hỏi mọi người”.
Gặp ai bà cũng nhắc tôi chào, có những người cả năm tôi không gặp bao giờ cũng phải vồn vã hỏi han khiến tôi phát mệt. Cũng vì thế mà tôi bảo chồng:
“Nếu không có việc gì quan trọng thì em không về quê anh đâu, đi khắp làng, mệt hết cả người”.
Tôi không thích về quê chồng cũng không thích mẹ chồng lên nhà tôi chơi. Bởi cứ lên tới nhà tôi là bà lại dạy dỗ con dâu làm vợ làm mẹ phải thế nào. Bà thấy tôi ngủ dậy muộn không nấu bữa sáng cho chồng ăn đi làm là rất khó chịu. Tôi giải thích rằng vợ chồng quen ăn sáng bên ngoài thì bà mắng:
“Vợ chồng các con còn nghèo phải biết tiệt kiệm. Bữa sáng ăn ngoài ít cũng mất mấy chục bạc. Tiền ấy đủ mua thức ăn về nấu cho cả nhà lại còn an toàn vệ sinh”.
Tôi mới sinh mổ bé đầu lòng, lúc đầu tính nhờ mẹ đẻ lên chăm giúp nhưng đúng ngày tôi nhập viện bà lại ốm thế là chẳng còn cách nào, tôi đành giục chồng gọi bà nội lên ngay trong đêm.
Mẹ chồng tôi chăm dâu ở cữ cũng cẩn thận. Ngày thì bà cơm nước dọn dẹp, tối bà cũng chạy ra chạy vào bế cháu nhưng tôi để ý mẹ chồng hay ngủ gà ngủ gật lắm. Ban ngày cũng như ban đêm, cứ hễ ôm cháu ngồi xuống giường là bà gà gật, có khi cháu tè ướt hết bỉm, cựa mình trớ sữa ra hết cổ bà cũng không biết. Tôi nhìn bực mình liền nhắc:
“Nếu mẹ mệt quá cứ về giường ngủ đi, đưa cháu con bế”.
Bà cười đáp:
“Mẹ không mệt. Tại tuổi già hay ngủ gà thế thôi chứ nằm xuống cũng chẳng ngủ được con ạ”.
Nói chung nhìn cái kiểu chăm cháu của bà thế là tôi không ưng. Chán nhất là bà hay quên nấu cơm. Có hôm bà cứ ngồi ôm cháu tới 12h vẫn chẳng nấu bữa, tôi đói dính ruột mới nhắc. Bà lại vội vàng đặt cháu bảo:
“Chết. Mẹ lại cứ nghĩ còn sớm nên chưa nấu. Đợi mẹ chút, mẹ nấu ngay đây”.
Bữa tối cũng thế, bà thường xuyên quên nấu toàn để tôi tới 8h -9h mới được ăn. Chán quá tôi nghĩ cách đuổi khéo bà về quê thuê giúp việc cho đỡ bực. Bởi tôi tính về lâu về dài, bà cứ như vậy thì chăm con chăm cháu sao tốt được.
Cho tới buổi trưa hôm ấy, tranh thủ lúc bà ôm cháu ngủ, thấy túi đồ mẹ chồng đặt trên giường, tò mò mở ra xem. Không ngờ bên trong lại có cuốn sổ khám bệnh bà giấu dưới tận đáy túi, trên phủ quần áo, lúc đó tôi mới ngây người biết mẹ chồng bị mắc chứng rối loạn giấc ngủ ở người cao tuổi dẫn tới đãng trí, hay quên.
Trong đơn thuốc, bác sĩ chỉ định rất rõ bà phải ngủ sớm, tránh thức khuya vậy mà từ hôm lên chăm dâu ở cữ đêm nào bà cũng chạy đi chạy lại sang phòng tôi mấy lần để đỡ đần con dâu có được ngủ yên giấc đâu. Bảo sao ban ngày cứ ngồi là bà gà gật, mệt mỏi, lúc nhớ lúc quên như vậy. Thế mà tôi không hiểu còn chê trách bà. Nghĩ lại thấy hổ thẹn với mẹ chồng nên từ hôm ấy tôi thay đổi cách nhìn với bà.
Tính ra tôi mổ sinh được gần 1 tháng, định sẽ tự nấu nướng, làm việc nhà để mẹ đỡ vất vả nhưng mẹ chồng không đồng ý. Bà nói tôi nhất định phải kiêng ít nhất đủ 3 tháng 10 ngày tránh ảnh hưởng về sau. Nhưng giờ biết tình trạng sức khỏe của mẹ chồng, tôi thực lòng không thể ngồi yên một chỗ để mẹ chồng phục vụ chăm sóc mình. Ai từng rơi vào hoàn cảnh này, hãy chia sẻ cùng tôi với nhé.
Sinh mổ cần kiêng làm việc nhà bao lâu?
Sau sinh mổ, cơ thể yếu hơn, cần khoảng thời gian nghỉ ngơi để hồi phục sức khỏe, mau lành vết thương. Các hoạt động như quét và lau nhà, mang vác nặng, dọn dẹp vệ sinh phải cúi người, gập bụng, khom lưng có thể gây bục chỉ khâu. Vì thế, chị em nên ưu tiên kiêng cữ cho đến khi vết thương hồi phục.
Với sản phụ sinh thường, thời gian kiêng làm việc nhà kéo dài khoảng 2-4 tuần. Với mẹ sinh mổ, thời gian kiêng làm việc nhà lâu hơn, thường sau khoảng 4-6 tuần. Tuy nhiên, đây chỉ là con số tham khảo, còn tùy thuộc vào điều kiện sức khỏe, người chăm sóc và kinh tế mỗi gia đình. Chị em sức khỏe yếu, tai biến sản khoa như tiền sản giật, băng huyết sau sinh cần nghỉ ngơi dài hơn. Phụ nữ hồi phục sức khỏe sớm có thể bắt đầu làm việc nhẹ nhàng như gấp quần áo, quét nhà nhẹ nhàng, tránh nằm một chỗ, ít vận động.
Nhiều phụ nữ sau sinh không có người thân phụ chăm sóc, phải làm nhiều công việc cùng lúc như chăm con nhỏ, nấu ăn, rửa bát, phơi quần áo, dọn dẹp… dẫn đến kiệt sức. Điều này tăng nguy cơ trầm cảm sau sinh.
Khi vết mổ lành, sản phụ có thể làm việc nhẹ nhàng như quét nhà, nấu ăn, tránh việc mang vác nặng, dọn dẹp nhà cửa trong thời gian dài. Nên chia nhỏ khối lượng công việc, nghỉ ngơi ngay khi thấy mệt. Lao động quá sức khiến cơ thể chưa kịp phục hồi, dễ ốm hơn, có thể bị mất sữa, không thể chăm sóc con nhỏ.