Tôi gào khóc, hỏi mình đã làm gì sai mà chịu sự phản bội, mà tình địch lại là nữ lao công nhiều tuổi, nhưng chồng tôi không hề tỏ ra hối lỗi, thậm chí muốn ly dị.
Lúc mới lấy nhau, ai cũng nói vợ chồng tôi có tính cách trái ngược. Anh xuề xòa, giản dị và có phần dễ tính, còn tôi lại luôn cầu toàn, chỉn chu trong từng chi tiết. Chính vì vậy, mặc dù vợ chồng đôi lúc có cãi vã vì khác biệt quan điểm nhưng hầu như anh luôn nhượng bộ tôi vì không muốn gây căng thẳng.
Với sự cầu tiến của mình, tôi không ngừng nỗ lực trong công việc để chứng minh bản thân. Vì thế, từ vị trí sinh viên thực tập, tôi được giữ lại công ty làm việc, rồi dần dần được đề bạt lên trưởng nhóm, trưởng phòng. Năm trước, công ty có thay đổi lớn về cơ cấu tổ chức, và với những cống hiến của mình, tôi được đề bạt lên ví trị giám đốc kinh doanh.
Chồng tôi thì ngược lại, bao năm qua vẫn hài lòng với vai trò nhân viên văn phòng bình thường. Thậm chí khi cơ quan tạo điều kiện cho đi học để đưa lên vị trí cao hơn, anh từ chối vì cho rằng mình không hợp. Những lúc đó tôi có trách, anh cũng chỉ cười bảo: “Thì anh lùi một bước để em còn phấn đấu chứ. Trong nhà cũng chỉ nên có một người làm sếp thôi”.
Từ ngày lên giám đốc, tôi càng chỉn chu về ăn mặc, một bước là lên xe hơi do công ty đưa đón. Còn anh thì vẫn chiếc quần âu, sơ mi kẻ, ngày ngày phóng chiếc xe máy cũ đi làm. Tiếp xúc với những đối tác ăn mặc lịch sự, đầy khí chất, về nhà nhìn chồng ăn mặc xuề xòa, dáng điệu tầm thường, lại còn nặng mùi thuốc lào, đôi lúc tôi có sự chạnh lòng so sánh.
Chưa kể, với mức lương cơ quan nhà nước, bao năm ở một vị trí, anh hầu như không đóng góp được nhiều cho gia đình. Các việc nhà từ trang trải tiền học cho con, chi phí sinh hoạt, tới mua căn nhà chung cư đang trả góp ngân hàng cũng một tay tôi lo hết.
Nói như vậy không có nghĩa là tôi không yêu chồng. Mặc dù quan điểm sống có phần khác biệt nhưng anh luôn là chỗ dựa về mặt tinh thần cho tôi. Công việc căng thẳng, áp lực, mỗi lần về nhà, được chia sẻ những bực dọc với anh, tôi nhẹ lòng hơn rất nhiều. Tôi hiểu người phụ nữ dù mạnh mẽ đến đâu cũng có những phút yếu lòng, và chồng chính là người để tôi thể hiện những mặt yếu đuối nhất của mình.
Nhưng tuần trước, tôi cảm thấy mặt đất dưới chân mình như vỡ vụn khi hay tin anh cặp kè với một phụ nữ cùng cơ quan. Nếu đó là một cô gái trẻ đẹp thì tôi còn có thể tin, đằng này “tiểu tam” nhiều hơn tôi 1 tuổi, lại làm lao công, chuyên lau dọn tại cơ quan anh.
Tôi bất ngờ khi hay tin chồng cặp kè với một chị lao công cùng cơ quan. (Ảnh minh họa: AI)
Với tính cách của mình, đáng lẽ tôi sẽ lao đến gặp người đàn bà đó để làm cho rõ chuyện. Nhưng nghĩ lại, tôi là một giám đốc, nếu đi đánh ghen với lao công thì chẳng khác gì tự bôi tro trát trấu vào mặt mình. Tôi đem chuyện hỏi chồng, anh thú nhận là mối quan hệ của họ bắt đầu khoảng một năm nay. Ban đầu chị ta hay nhờ anh giúp sửa chữa điện đóm ở khu vực bếp núc, sửa đường nước trong cơ quan, rồi cứ thế họ phải lòng nhau lúc nào không hay.
Nghe người đàn ông đầu gối tay ấp thú nhận chuyện ngoại tình, tôi không kìm nén nổi, tức tưởi gào khóc, hỏi anh rằng tôi có gì thua kém chị ta mà bị phản bội như vậy. Không ngờ chồng dám nói thế này: “Anh chưa bao giờ coi trọng chức tước, anh cần một người chia sẻ. Em hãy nhìn lại mình xem, đã bao giờ em thực sự quan tâm tới anh hay chỉ suốt ngày than thở về công việc, khó khăn của em?”.
Những lời anh nói khiến tôi sững sờ. Tối hôm đó, chúng tôi đã có cuộc nói chuyện thẳng thắn về những vướng mắc trong cuộc sống hôn nhân với mong muốn cả hai sẽ thay đổi và làm lại. Nhưng trái với suy nghĩ của tôi, chồng nói mọi chuyện đã khó cứu vãn, vì hai chúng tôi quá khác biệt. Với anh, điều quan trọng là người phụ nữ kia mang lại sự vui vẻ, đồng cảm trong cuộc sống, điều mà tôi không thể làm được.
Sau đêm đó, anh lặng lẽ mang quần áo ra khỏi nhà, tôi nghe là đến nhà người phụ nữ kia ở vì chị ta cũng chưa lập gia đình. Còn tôi cố dằn xuống cảm giác uất hận để tỉnh táo nghĩ xem mình nên làm gì.
Nghĩ kỹ ra, chồng đâu đóng góp được nhiều cho cuộc sống của tôi, việc anh đi hay ở lại gia đình này cũng đâu mang tới nhiều xáo trộn. Về vật chất, anh không có đóng góp. Về tinh thần, sự phản bội của anh đem lại đau khổ cho tôi, và giờ đây khi anh đã hết tình cảm, quyết dứt áo ra đi thì tôi càng không thể trông đợi nhận được gì từ anh nữa.
Nhưng nếu tôi buông tay, để chồng mình đến với người đàn bà kia, liệu người đời có cười vào mặt tôi khi chấp nhận để thua một nữ lao công? Rồi con cái tôi nhìn vào, chúng có trách tôi vì đã không níu kéo, cứu vãn cuộc hôn nhân, để chúng phải sống cảnh bố mẹ mỗi người một nơi?
Đôi lúc tôi tự dằn vặt mình vì đã quá vô tâm, không để ý tới những suy nghĩ chất chứa trong lòng anh. Nhưng cũng có lúc tôi nghĩ anh quá ích kỷ, chỉ nghĩ đến cảm xúc nhất thời của bản thân mà quên đi giá trị của gia đình, quên đi rằng tôi đã quá vất vả khi chèo chống cả nhà.
Tôi đang làm đúng hay sai, và việc gia đình tôi sẽ phải giải quyết thế nào? Rất mong độc giả hãy cho tôi lời khuyên để có thể giải được bài toán hóc búa của cuộc đời mình.