×

Nhà tôi một năm có 42 cái giỗ từ lớn đến nhỏ, bố tôi là trưởng được hưởng hương hoả tổ tiên nên phải đứng ra tổ chức

Câu tục ngữ đầy đủ là “Trách người bỏ giỗ, không trách người cỗ mọn”. Ở đời người ta chỉ trách cứ những ai thờ ơ, vô cảm với người đã khuất mà bỏ giỗ hoặc làm hời hợt, chiếu lệ…

Cúng là một nghi lễ rất quen thuộc của người Việt – một phong tục dân gian thờ cúng tổ tiên. Đó là việc “dâng lễ vật lên thần thánh, hoặc linh hồn người chết, thường có thắp hương, khấn vái, theo tín ngưỡng hoặc phong tục cổ truyền” (“Từ điển tiếng Việt”, Trung tâm Từ điển học, NXB Đà Nẵng, 2020).

Trong các loại cúng tế thì cúng giỗ có một ý nghĩa rất đặc biệt. Đó là một buổi lễ tưởng niệm ngày mất của người thân trong gia đình (được tính theo Âm lịch). Đây là ngày con cháu, người thân thể hiện nỗi niềm tưởng nhớ, tiếc thương và sự tri ân của người đang sống với người đã khuất. Đây cũng là sự kiện thể hiện đạo hiếu thủy chung đối với tổ tiên của mỗi người với người thân trong cộng đồng.

Đám giỗ ở miền Tây – Người dân tin rằng ông bà có thể phù hộ con cháu họ là một trong những lý do khiến mọi người coi trọng việc thờ cúng tổ tiên và việc làm giỗ. Minh họa: CTV

Trong các ngày giỗ, có phân biệt giỗ đầu, giỗ hết và giỗ thường, với những quy định khác nhau về nghi thức.

Giỗ đầu (còn gọi là tiểu tường, 小祥), là ngày giỗ đầu tiên sau ngày người mất đúng 1 năm, nằm trong thời kỳ tang chế, thường vẫn còn không khí bi ai, sầu thảm. Giỗ đầu vẫn thường được tổ chức trang nghiêm không kém gì so với ngày để tang năm trước. Con cháu vẫn mặc tang phục và thực hiện các nghi lễ trang trọng bắt buộc.

Giỗ hết (còn gọi là đại tường , 大祥) là ngày giỗ sau ngày người mất 2 năm, vẫn nằm trong thời kỳ phải chịu tang. Các nghi thức vẫn rất trang trọng. Sau giỗ hết, người thân mới bỏ linh sàng (bàn thờ người mới mất) và di ảnh người mất được đặt chung trong bàn thờ ông bà, tổ tiên.

Giỗ thường (còn gọi là ngày cát kị, 吉忌), là ngày giỗ sau khi người mất từ 3 năm trở đi. Cát kị nghĩa là giỗ lành. Trong lễ giỗ này, con cháu chỉ mặc đồ thường phục, không thể hiện sự bi lụy (than khóc) như ngày đưa tang và giỗ đầu.

Trưởng nam (con trai cả) là người có vai trò quan trọng trong việc sắp xếp, lo toan, tổ chức ngày giỗ cho gia đình (và cả gia tộc).

Nói một chút như vậy để mọi người hiểu kỹ hơn về ngày giỗ của người Việt.

Trở lại câu tục ngữ “Trách người bỏ giỗ, không trách người cỗ mọn”. “Cỗ mọn” (hoặc “cỗ bé”) là cỗ được chuẩn bị đơn giản, không cầu kỳ và như thế ít tốn kém. Cũng bởi theo dân gian, cúng giỗ không nhất thiết phải quá đắt đỏ, linh đình.

Cúng bái thì “sang kép, hẹp đơn”, khó quá thì thắp nén hương tưởng nhớ, cốt sao có tấm lòng thành.

Với nhà nghèo có khi chỉ cần có đĩa muối, bát cơm úp, quả trứng luộc cũng được coi là chu tất. Điều quan trọng là con cháu đã giữ được đạo hiếu với tổ tiên. Vì vậy, ở đời người ta chỉ trách cứ những ai thờ ơ, vô cảm với người đã khuất mà bỏ giỗ hoặc làm hời hợt, chiếu lệ.

Giá trị vật chất (mâm cao cỗ đầy) không phải là yếu tố quyết định. Bởi nhiều gia đình do hoàn cảnh, điều kiện không thể bày vẽ thì người đời vẫn thông cảm, thể tất. Nhà nghiên cứu Hoàng Tuấn Công cũng cho rằng: “…tín ngưỡng thờ cúng của người Việt không câu nệ mâm cao cỗ đầy, “Bắt thiếu giỗ, không ai bắt cỗ lưng”.

Hướng về cội nguồn, tổ tiên với tấm lòng thành là một nghĩa cử đẹp, một hành vi nhân văn mà mỗi người chúng ta cần hiểu và thực thi sao cho phải.

Related Posts

Our Privacy policy

https://metin247.com - © 2025 News