Các chuyên gia Trung Quốc đã quyết định khôi phục diện mạo thực sự của hàng loạt hoàng đế trong đó có Võ Tắc Thiên thông qua trí tuệ nhân tạo AI. Cuối cùng, khi nhìn thành quả sẽ khiến nhiều người ngỡ ngàng.
Là một trong những công nghệ cốt lõi của cuộc cách mạng 4.0, AI ngày nay đã dần đi vào đời sống không chỉ trong công nghệ mà còn ứng dụng rộng rãi trong kinh tế, nhiếp ảnh và hội họa. Trong đó, khả năng phục dựng chân dung các nhân vật lịch sử đang nhận được rất nhiều sự quan tâm.
Từ bức tranh cổ phác họa dung mạo của Võ Tắc Thiên, AI đã vẽ lại và thêm màu sắc, giúp dung nhan vị Nữ đế hiện lên thật trẻ trung, xinh đẹp. Trong tranh, bà sở hữu gương mặt bầu bĩnh, mũi cao thẳng tắp, đôi môi nhỏ, lông mày thanh thoát và đôi mắt sáng ngời.
Hai bức tranh Võ Tắc Thiên được AI phục dựng
Song, ở một bức tranh khác được phục dựng thì nhan sắc của vị nữ vương này có sự khác biệt khá lớn. Tuy vẫn giữ được đường nét cân đối nhưng lại toát lên phong thái khá nam tính với gương mặt vuông chữ điền.
Vậy lịch sử đã miêu tả như thế nào về nhan sắc của Võ Tắc Thiên?
Lịch sử hầu như không ghi chép nhiều về ngoại hình của Võ Tắc Thiên, chỉ có 5 tài liệu dưới đây là cụ thể nhất.
Thứ nhất trong “Tắc Thiên đại thánh Hoàng hậu ai sách văn” viết “kỳ tương nguyệt yển”, không phải ca ngợi Võ Tắc Thiên xinh đẹp, mà ý tướng mạo của bà rất có khí khái.
Thứ hai, trong “Cựu Đường Thư” viết “Long tinh phượng cảnh” tức muốn nói bà rất có tướng tá của bậc đế vương. Thứ ba, trong “Tân Đường Thư” viết “phương ngạc nghiễm di”, tức muốn nói bà có gương mặt vuông và to.
Bức họa “Hành trình của Hoàng hậu nhà Đường”
Bức họa miêu tả cảnh du hành của Võ Tắc Thiên. Trong tranh có rất nhiều nhân vật với hình dáng khác nhau nhưng đều xuất hiện trong hình dạng những người lính bảo vệ hoặc hầu cận, điều này càng khiến hình ảnh Võ Tắc Thiên ở trung tâm bức tranh trở nên đặc biệt bắt mắt. Võ Tắc Thiên mặc áo choàng, tay áo dài, đầu đội vương miện rồng, xung quanh có hơn chục vệ binh và thái giám đang cầm lư hương, quạt, bình nhổ vàng, pháp cụ….
Chiều cao của Võ Tắc Thiên trong bức tranh này cũng rất thú vị. Có lẽ họa sĩ muốn làm nổi bật địa vị cao quý của bà nên vẽ cao hơn đàn ông. Song, vẻ ngoài yêu kiều vượt qua hàng nghìn người của bà vẫn được thể hiện một cách sống động trên trang giấy.
Thứ năm, sinh thời, bản thân Võ Tắc Thiên cũng từng rất mực tự hào về ngoại hình của mình. Khi đã chính thức nắm quyền, bà từng nhiều lần lấy dung mạo của bản thân làm khuôn mẫu để cho các thợ mộc điêu khắc tượng Phật.
Bức tượng Phật Lư Xá Na ở Long Môn, Lạc Dương được chạm khắc dựa trên dung nhan của Võ Tắc Thiên năm 44 tuổi
Cho tới ngày nay, trong hang đá Long Môn ở Lạc Dương vẫn còn lưu giữ một bức tượng có tên là “Phật Lư Xá Na”, được tạc vào năm 672 dưới thời Đường Cao Tông Lý Trị.
Bức tượng ấy được nhận xét là sở hữu gương mặt sắc sảo, ánh mắt sống động, tương truyền là do chạm khắc dựa trên gương mặt của Võ Tắc Thiên.
Bản thân Võ Thị khi đó đang ở ngôi Hoàng hậu cũng hết sức hài lòng đối với tác phẩm nghệ thuật này. Thậm chí bà còn tài trợ hai vạn quan tiền để các thợ mộc hoàn thành bức tượng Phật ấy.
Tổng kết lại những chi tiết trên có thể thấy dung mạo thật sự của Võ Tắc Thiên khác xa màn ảnh nhỏ 1 trời 1 vực. Cụ thể, khuôn mặt của bà vuông chữ điền, ít nhiều giống nam nhi và không thật sự thanh thoát.
Bức tranh chân dung Võ Tắc Thiên đội mũ phượng bản gốc (bên trái) và hình ảnh phục dựng mô phỏng
Bà sở hữu chiều cao khoảng 1,65, cao hơn cả chiều cao trung bình của đàn ông lúc bấy giờ là 1m60. Một số giả thiết cho rằng Võ Tắc Thiên nhập cung năm 14 tuổi – độ tuổi vẫn đang phát triển, lại được ăn uống đầy đủ, sung túc nên mới to cao như vậy. Trong một số tranh chân dung lưu truyền đến tận ngày nay, gương mặt của Võ hậu vuông chữ điền, cương nghị không khác gì nam nhân.
Chính vì vậy mà khi Viên Thiên Cương – chuyên gia phong thủy nổi tiếng có tài chiêm tinh, dự báo tương lai thời đó – sau khi xem tướng bà đã phán rằng nữ nhân này có tướng quý nhân, sau ắt trở thành quân chủ (vua).
Tuy không sở hữu những đặc điểm của một mỹ nhân nhưng dung mạo của Võ Tắc Thiên lại rất phù hợp với quan niệm thẩm mỹ của Đường triều. Vì vậy, bà mới có thể khuynh đảo hậu cung suốt 2 đời vua.
Ở trong cung, Lý Thế Dân từng ban tên cho bà là Võ Mị Nương. Mị tức là xinh đẹp, quý phái, hoa nhường nguyệt thẹn. Vậy nên, nhiều ý kiến cho rằng, bà phải rất xinh đẹp mới được vua ban cho cái tên này. Sau khi Lý Thế Dân qua đời, bà lại tiếp tục lọt vào mắt xanh của Đường Cao Tông Lý Trị, thậm chí vua còn gần như độc sủng bà.
Hình tượng Võ Mị Nương trên phim
Năm 663, trải qua những tháng ngày bệnh tật, Đường Cao Tông Lý Trị qua đời, Võ hậu lên ngôi nhiếp chính, đổi tên nước là Chu và trở thành vị Nữ hoàng đế đầu tiên trong lịch sử Trung Quốc.
Võ Tắc Thiên (tên này chỉ được tôn vinh sau khi bà chết, đầy đủ là “Tắc Thiên Thuận Thánh Hoàng Thái Hậu) nắm giữ quyền lực tối thượng hơn 40 năm. Tương truyền, đến khi mất (năm 82 tuổi), bà vẫn còn giữ được nhiều nét hấp dẫn. Điều này lý giải tại sao khi Đường Cao Tông còn sống, bà đã vượt lên hết thảy mọi cung nữ trẻ đẹp khác để làm cho ông ngày đêm mê mẩn.
Suốt chặng đường trở thành Nữ đế của Võ Tắc Thiên, có lẽ không thể tách rời khỏi hai từ “nhan sắc”. Nếu không có yếu tố này, hẳn là bà đã không thể viết tiếp câu chuyện để đời phía sau.ac